Cao Minh Hung's Website 

CD Vần Thơ Qua Nốt Nhạc - Cao Minh Hung
Xin click vào link bên dưới để đọc bài viết về CD "Vần  Thơ Qua Nốt Nhạc":

http://www.vietbao.com/?ppid=75&pid=75&nid=161444


CD Số Hai Của Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng – "Vần Thơ Qua Nốt Nhạc"
(07/09/2010) (Xem: 3234)
Tác giả : Việt Hải

Tôi nhớ khi Văn Đàn Đồng Tâm làm buổi tiệc ra mắt tác phẩm "Kỷ niệm về nhạc sĩ Anh Bằng - Dòng nhạc trong lòng dân tộc", tôi gặp một người đàn ông khôi ngô tuấn tú đi bên một đóa hoa hồng thật đoan trang, tôi xuýt xoa, chao ôi, thật là đẹp đôi! Đó là đôi uyên ương Cao Minh Hưng và Ngọc Bích. Qua trung gian của xướng ngôn viên/MC Thụy Trinh giới thiệu Cao Minh Hưng đến với Văn Đàn Đồng Tâm, rồi anh email cho tôi link của website Cao Minh Hưng. Tôi khám phá ra đây là một tài năng không những cho phạm vi văn học, mà còn cho bên âm nhạc. Tôi nghe cuốn CD đầu tiên của anh "Phượng Đỏ Mùa Đông", anh gửi gấm kỷ niệm tuổi học trò ở Việt Nam, tuổi hoa niên của thuở trung học có "Lưu bút ngày xanh" hay "Nỗi buồn hoa phượng".  Sau sự thành công của CD đầu tiên, anh cho ra CD thứ nhì mang tên "Vần Thơ Qua Nốt Nhạc", tôi nghe ca khúc đầu của CD là bài "Và Thôi", được Cao Minh Hưng phổ thơ của thi sĩ Trần Nguyên Đán.

"Và Thôi" là một bài thơ lục bát, thể thơ lục bát rất khó phổ thơ, vì sự gò bó của những vần điệu, luật bằng trắc, nên không mấy nhạc sĩ chọn phổ thơ lục bát. Nghe qua bài nhạc này mới thấy sự khéo léo sáng tạo của người đặt nhạc. Ý thơ của thi sĩ dùng ca từ trùng hợp, cố ý tạo điệp ngữ để bài thơ mang ý nghĩa của một tình huống phân vân, lưỡng lự chưa hẳn dứt khoát muốn chia tay nhau của đôi tình nhân, ví dụ như điệp ngữ "Và thôi" cũng được lặp lại nhiều lần như ngụ ý nũng nịu trách nhau, hờn dỗi trong tình yêu, và rồi điệp tự "đôi khi" trong bài thơ được cố ý trùng lặp lại trong hai câu kế tiếp nhau. Nhạc sĩ phải xoay sở cấu trúc bài nhạc khi sắp xếp nốt nhạc để nhạc và lời quyện vào nhau cho bản nhạc có hồn. Vì một bản nhạc không có hồn sẽ là nhạc chết, không làm cho thính giả cảm nhận được cái hay hoặc nhập tâm họ được. Để diễn tả được sự "ngập ngừng" giữa hai người không muốn chia tay nhau, nên khi phổ nhạc ở đoạn này, nhạc phải bắt được điểm then chốt của nhịp rung động con tim, lay chuyển tiếng lòng cũng như "hơi thở" trong tâm hồn của thi sĩ. Vì thế, ở đoạn này, khi phổ nhạc, những nốt trắng dài (whole note) được tận dụng, kết hợp với dấu thăng (sharp), và cho chữ "đôi khi" bắt đầu nhịp của mỗi trường canh (measure) để nhằm lột tả được trạng thái ngập ngừng, nỗi niềm luyến tiếc của tác giả lúc chia tay.

Điểm khác nữa làm tôi lưu ý trong phần điệp khúc là câu ca "Để đêm về lại nhớ ngày...", nhịp 2/2 được chuyển qua 4/4 nhằm kéo dài nhịp điệu để tô đậm niềm nhung nhớ của hai tâm hồn xa cách nhau. Chủ âm Sol thứ (G minor) luân chuyển với quảng 4,  Đô thứ (C minor) là hai hợp âm trầm buồn được sử dụng nhiều nhất, để nói lên nỗi day dứt trong sự quyến luyến, bịn rịn của tâm trạng trong nhạc phẩm "Và Thôi". Tôi nghĩ sự sắp xếp của Cao Minh Hưng rất khéo.

Sau "Và Thôi" là 11 bài được liệt kê như sau:

2/ Kẹo Hồng- thơ Iris Đinh
 
3/ Tắm Lại Dòng Sông Xưa- thơ Mạc Phương Đình
 
4/ Cánh Hoa Đào Rơi- thơ Cao Minh Hưng
 
5/ Mực Mồng Tơi- thơ T.V
 
6/ Dù Một Lần Chưa Ngỏ- thơ Bồ Tùng Ma

7/ Vui Xuân Xứ Lạnh- thơ Thanh Mai

8/ Hoa Sim Ngày Ấy- thơ Hữu Anh

9/ Thuở Vào Đời- thơ Cát Biển
 
10/ Từ Dạo Em Đi- thơ Bạch Liên

11/ Will You Love Me Still- thơ Việt Hải
 
12/ Lời Nguyện Cầu Đêm Noel- thơ Cao Minh Hưng

Cao Minh Hưng không những phổ thơ của người, mà anh còn tự đặt lời cho nhạc của anh như bài Cánh Hoa Đào Rơi và Lời Nguyện Cầu Đêm Noel. Viết về nhạc của một nhạc sĩ chưa được quần chúng biết nhiều để thẩm định về dòng nhạc mới hay CD nhạc mới, tôi đã mời một số nhạc sĩ góp ý cho CD "Vần Thơ Qua Nốt Nhạc".  Nhạc sĩ Anh Bằng, một nhạc sĩ cao niên lão thành trong làng âm nhạc Việt Nam cho ý kiến của ông về một hậu duệ nối tiếp trong nỗ lực sáng tác nhạc tại hải ngoại như sau:

"Tôi nghĩ, trái tim Cao Minh Hưng có 3 ngăn. Ngăn thứ nhất cho người vợ hiền, rất hiền và con cái. Ngăn thứ hai dành cho lương tâm của một bác sĩ chuyên môn, là nha sĩ. Và ngăn thứ ba dành cho văn học nghệ thuật, cho thơ và nhạc. Tôi biết 3 ngăn này đủ làm cho Cao Minh Hưng rất bận rộn.

Nói cho cùng thì tinh thần nghệ sĩ tính của Cao Minh Hưng dành cho sự đam mê văn học nghệ thuật một chỗ đứng trang trọng trong trái tim của anh. Chính tâm hồn đam mê âm nhạc đã tạo nên một Cao Minh Hưng nhạc sĩ với những giòng nhạc tình mang thật nhiều nét dấu yêu và say đắm. Ngày hôm nay, nhạc sĩ Cao Minh Hưng còn trẻ, nhạc khúc của Cao Minh Hưng còn mới chưa được khán thính giả biết đến nhiều, nhưng tôi nhận thấy Cao Minh Hưng sẽ là một đóng góp rất quan trọng cho văn học và nghệ thuật hải ngoại cũng như quê hương Việt Nam sau này."

Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Quang Hải từ Paris phát biểu cảm tưởng của ông sau khi nghe các nhạc phẩm trong CD "Vần Thơ Qua Nốt Nhạc" như sau:

"Nếu Cao Minh Hưng là một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp thì tôi không lấy làm lạ khi nghe. Nhưng Cao Minh Hưng là một nha sĩ nhà
nghề từ nhiều năm. Rồi bỗng dưng anh bị âm nhạc ru hồn biến anh thành một người viết nhạc và luôn lời để đưa 12 ca khúc tuyển chọn vào một CD.

Dù mới bước vào lĩnh vực âm nhạc trong vài năm gần đây, anh đã cho thấy tâm hồn ướt át, nguồn cảm hứng phong phú và tình cảm dồi dào cùng với sự sáng tạo giai điệu nhẹ nhàng, êm tai qua nhiều thể điệu đa dạng (bolero, rumba, chachacha, slow rock, waltz, boston), và nhứt là thể điệu "kể chuyện" (recitative) phổ trên những vần thơ 5 chữ, 6 chữ, 7 và 8 chữ để làm thành những nhạc phẩm giàu màu sắc âm thanh và thay đổi nhịp điệu uyển chuyển theo dòng thơ trữ tình. Đặc biệt là anh đã phổ nhạc bài thơ tiếng Anh "Will You Love Me Still" của Việt Hải đáp ứng những gì Việt Hải muốn miêu tả trong bài thơ đầy tình cảm.

Tôi rất vui mừng thấy trong làng nhạc hải ngoại có thêm một bông hoa mới đầy hứa hẹn. Bông hoa đó là nhạc sĩ – nha sĩ Cao Minh Hưng sẽ làm thơm ngát vườn hoa âm nhạc Việt Nam trong tương lai."

Từ Toronto, Canada, nhạc sĩ Phan Ni Tấn cho nhận xét của ông:     

"Với CD "Vần Thơ Qua Nốt Nhạc", Cao Minh Hưng đã làm phong phú thêm dòng nhạc sung mãn và nhân bản vốn có của mình. Nhạc của anh giàu cung bậc, âm điệu với phong cách cổ điển lẫn một chút cách tân là sự kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ thơ và âm nhạc. Đó là quy luật tất yếu về sự chín chắn qua phong cách sống sôi nổi, hoạt bát, thành đạt, đầy tự tin mang đến những đam mê văn học nghệ thuật, đam mê sáng tạo và đam mê giúp người."      

Từ San Diego, nhạc sĩ Nguyên Phan cho nhận xét về CD mới của nhạc sĩ Cao Minh Hưng sau đây:

"Trong dòng nhạc của Cao Minh Hưng chúng ta dễ dàng tìm thấy cái man mác, khói sương cũng như niềm khắc khoải, mong manh, tiếc nuối của những cuộc tình hơn một lần đã qua đời. Tình cờ bắt gặp nét rộn ràng thanh xuân; cái thâm trầm, ray rứt sâu lắng. Cuối cùng là bàng bạc, chấm phá những nét đan thanh, sang cả của bóng dáng hạnh phúc; cái đậm đà, dung dị của tình yêu quê hương.  Tất cả đã làm cho dòng nhạc của của Cao Minh Hưng thêm phong phú và dễ ru hồn người."

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Mai đóng góp cảm nghĩ sau khi nghe CD "Vần Thơ Qua Nốt Nhạc", với lời chúc mừng cho nhạc sĩ Cao Minh Hưng:

"Chúng ta thường hay nghe câu: "văn là người" ý nói văn phong của nguời viết phản ảnh phong cách và tâm tư của tác giả. Nhưng với CD của nhạc sĩ Cao Minh Hưng, tôi nghĩ cũng nên nói thêm "nhạc cũng là người". Qua các tác phẩm của nhạc sĩ Cao Minh Hưng, đã cho chúng ta thưởng thức nhiều khía cạnh tâm tình của tác giả qua các bài nhạc phổ thơ rất chuẩn (bài  Kẹo Hồng- thơ Iris Đinh, bài Mực Mồng Tơi - thơ T.V, Hoa Sim Ngày Ấy – thơ Hữu Anh). Nhạc sĩ đã sống với ý thơ để hồn nhạc được bay quyện vào thơ một cách chân tình tuyệt diệu. Bên cạnh đó, Cao Minh Hưng còn chứng tỏ khả năng đa dạng qua bài nhạc phổ từ thơ viết bằng tiếng Anh (Will You Love Me Still – thơ Việt Hải). Nếu không nói tên nhạc sĩ, chắc chúng ta sẽ nghĩ rằng đây là nhạc của một nhạc sĩ ngoại quốc!

CD mới này của nhạc sĩ Cao Minh Hưng như là một làn gió mới đóng góp vào làng nhạc tại hải ngoại. Âm nhạc của Cao Minh Hưng chuyển tải sự phong phú của dòng nhạc để hứa hẹn một tiềm năng đa dạng cho hướng sáng tác mới lạ của người nhạc sĩ trẻ nuôi hoài bão nhiều cho kho tàng tân nhạc Việt Nam. Xin chúc mừng người nghệ sĩ tài hoa."

Như trên đã đề cập, nhạc sĩ Cao Minh Hưng còn là một nhà văn, anh đoạt giải danh dự bài viết cho Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo, và anh cũng đang hoạt động tích cực trong các tổ chức văn học, văn nghệ như nhóm văn Việt Bút, Văn Đàn Đồng Tâm, và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ. Ý thức được công cuộc phát huy và duy trì Việt ngữ tại hải ngoại, anh hỗ trợ cho giải thưởng "Bé Viết Văn Việt"  của nhật báo Việt Báo chủ xướng. Tưởng cũng nên nhắc lại là tờ báo này do những vị chủ nhân đều ở trong giới văn học, nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca.  Với mục đích kêu gọi các tác giả từ khắp nơi tham gia viết chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình hội nhập vào đời sống ở Hoa Kỳ, Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ đã được ra đời và kéo dài trong suốt hơn mười năm qua.  Song song với Giải thưởng này, nhằm khuyến khích văn học chữ nghĩa cho các cháu thiếu nhi, Việt Báo hàng năm cũng tổ chức Giải "Bé Viết Văn Việt" dành cho các em thiếu nhi từ 15 tuổi trở xuống, qua các đề tài như Gia đình, Học đường, Bạn hữu, Quê hương yêu dấu và Tìm hiểu về đất nước Hoa Kỳ. Để yểm trợ cho giải và tiếp tục khuyến khích các cháu thiếu nhi ở hải ngoại viết tiếng Việt, nhạc sĩ Cao Minh Hưng cho biết là tất cả số tiền thu được từ việc đồng hương ủng hộ CD sẽ tặng cho giải thưởng "Bé Viết Văn Việt". Một nghĩa cử cao đẹp về phương diện yêu văn hóa Việt hay bảo tồn nguồn gốc của các em vậy. 

CD "Vần Thơ Qua Nốt Nhạc" cũng có sự đóng góp của các tác giả đã tham gia Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và các bạn hữu của nhạc sĩ Cao Minh Hưng.  CD Tình Khúc Cao Minh Hưng "Vần Thơ Qua Nốt Nhạc" được Việt Báo đại diện phát hành tại trụ sở của toà soạn ở địa chỉ 14841 Moran St. Westminster, CA 92683 và số điện thoại (714) 894-2500.

Tôi đã làm quen người nhạc sĩ trẻ qua dòng nhạc tuổi học trò trong CD "Phượng Đỏ Mùa Đông", một sự thành công đầu tiên của nhạc sĩ Cao Minh Hưng. Để rồi bây giờ lại được nghe những nhạc phẩm mới trong CD thứ hai, "Vần Thơ Qua Nốt Nhạc", những dòng nhạc từ tim óc của anh. Với tôi, sự thành công của nhạc sĩ Cao Minh Hưng trong album mới này từ bài đầu là "Và Thôi" đến bài cuối "Lời Nguyện Cầu Đêm Noel" là vì nó chuyên chở một bầu trời quê hương xưa, cho cái âm hưởng nhạc truyền thống quen thuộc ở miền Nam nước mình trước năm 75, có người gọi là "Nhạc vàng" của VNCH. Với tôi, thì đây là những kỷ niệm còn mãi trong tiềm thức, là những trân quý vô cùng đáng yêu của VNCH. Cám ơn Cao Minh Hưng cho sự nối tiếp thời gian đã qua, từ dĩ vãng một thuở nhạc vàng nhung nhớ xa xưa ra tận hải ngoại này.

Theo tôi, Cao Minh Hưng là một tài năng duy trì nét nhạc Việt truyền thống và anh cũng có khả năng hội nhập vào dòng nhạc Anh Mỹ tiêu biểu cho thế hệ trẻ thành công tại xứ người, như những nhận xét của các nhạc sĩ thân hữu đã nêu ý kiến trong bài viết này.

Sau hết tôi xin kết thúc bằng bài ca được phổ từ thơ của mục sư Trần Nguyên Đán như đã đề cập, "Và Thôi"; khi thính giả nghe bài ca miên man trôi theo dòng nhạc, có thể không nhận ra là bản nhạc này xuất phát từ lời thơ lục bát, vì sự cắt ráp, ngắt câu, chia thơ qua tài "hóa phép" của ông nhạc sĩ Cao “Ali Baba”. Biết đâu chừng ông đèn thần Alladin sẽ đãi ngộ nhiều thành công cho ông nhạc sĩ Cao Minh Hưng; vốn mê văn chương, mê âm nhạc, về sau này thì sao nhỉ?  Tôi mong rằng "Cao Minh Hưng sẽ là một đóng góp rất quan trọng cho văn học và nghệ thuật hải ngoại cũng như quê hương Việt Nam sau này..." như lời tiên đoán của nhạc sĩ lão thành Anh Bằng.

Xin bắt tay chúc mừng anh.

Việt Hải, Los Angeles


 



Website Builder